Bên cạnh các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và thiên tai, ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí, và rác thải của nước ta đang trở nên báo động trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, kinh tế nước ta đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới (tham gia vào hiệp định thương mại tự do FTA) nhằm tận dụng cơ hội để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì tình hình ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn. Do đó, môi trường đang là một vấn đề quan tâm của toàn xã hội và ngành môi trường cũng thu hút được sự quan tâm của các bạn trẻ. Các bạn hãy là người tiên phong trong công tác bảo vệ môi trường, góp sức mình và giúp đỡ mọi người cùng giải quyết những bài toán môi trường hiện nay. Bên cạnh các vấn đề ô nhiễm phát sinh trong quá trình phát triển đất nước, đứng trước bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực môi trường phục vụ công tác bảo vệ môi trường và đẩy mạnh ứng dụng sự tiến bộ của khoa học và công nghệ ngày càng cao. Đây cũng là cơ hội cho các bạn phát triển trong lĩnh vực môi trường. Để trở thành một nhà môi trường, Khoa Môi Trường sẽ trang bị cho các bạn các kiến thức chuyên môn, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp một cách toàn diện. Bên cạnh các giờ học trên lớp, các buổi thực hành, thực tập gắn liền với thực tế sẽ giúp các bạn nắm được kiến thức một cách tốt nhất.
Mục tiêu đào tạo của Khoa là đào tạo người học có các kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên – xã hội nhằm đáp ứng cho việc tiếp thu các kiến thức chuyên môn nghề nghiệp và khả năng học tập ở trình độ cao hơn, có các kiến thức cơ bản, cơ sở và nâng cao về khoa học và công nghệ môi trường, có kỹ năng thực hành sâu rộng với phương pháp luận vững chắc, có khả năng vận dụng vào giải quyết các vấn đề môi trường góp phần phát triển khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường, và đáp ứng được yêu cầu nghề nghiệp. Bên cạnh kiến thức và kỹ năng, Khoa cũng chú trọng đào tạo người học có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, có ý thức cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, có lòng say mê khoa học và tự rèn luyện nâng cao năng lực chuyên môn.
Sứ mệnh của Khoa là có nhiệm vụ đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật và quản lý môi trường ở các bậc đại học, cao học và tiến sỹ; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ môi trường; đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ tài nguyên và môi trường, góp phần cho sự nghiệp phát triển bền vững của Việt Nam nói chung và khu vực Miền Trung, Nam Bộ nói riêng.
1. Xin quý thầy/cô giới thiệu tổng quan về Khoa Môi Trường? Giới thiệu về các ngành mà Khoa đang đào tạo?
Khoa Môi Trường được thành lập từ năm 2000 theo Quyết định của Giám đốc ĐHQG-HCM. Hiện nay, Khoa có 4 bộ môn: Khoa học Môi trường, Quản lý Môi trường, Tin học Môi Trường, và Công nghệ Môi trường, và 3 phòng thí nghiệm chuyên ngành. Đội ngũ cán bộ hiện nay của Khoa có 60 cán bộ, với 92% cán bộ có trình độ sau đại học trở lên.
Khoa Môi Trường đang triển khai tổ chức đào tạo trình độ đại học cho 2 ngành: Khoa học Môi trường (đào tạo từ năm 2000) và Công nghệ Kỹ thuật Môi trường (đào tạo từ năm 2007), với tổng quy mô đào tạo hiện nay là 930 sinh viên. Mỗi năm Khoa tuyển sinh khoảng 150 sinh viên cho ngành Khoa học Môi trường và 100 sinh viên cho ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường. Bắt đầu từ năm 2020, Khoa sẽ tuyển sinh chương trình đào tạo chất lượng cao ngành Khoa học Môi trường, với chỉ tiêu tuyển sinh là 40 sinh viên/năm.
2. Chương trình đào tạo của các ngành trong Khoa Môi Trường hiện nay như thế nào?
Hiện nay Khoa Môi Trường có hai ngành đào tạo: ngành Khoa học Môi tường và ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường. Ngành Khoa học Môi trường có chương trình đại trà và chương trình chất lượng cao.
Thời gian đào tạo của các ngành trong Khoa Môi Trường là 4 năm với tổng số tín chỉ khoảng 130-135. Về cơ bản, cấu trúc chương trình đào tạo là giống nhau, bao gồm khối kiến thức đại cương (1.5 năm), khối kiến thức cơ sở ngành (1.5 năm), khối kiến thức chuyên ngành (0.5 năm), và khối kiến thức tốt nghiệp (0.5 năm) (xem ở website Khoa: http://www.environment.hcmus.edu.vn/)
Về chương trình đào tạo:
- Ngành Khoa học Môi trường theo chương trình đại trà hướng người học về kiến thức của 6 chuyên ngành, bao gồm khoa học môi trường, quản lý môi trường, tin học môi trường, tài nguyên thiên nhiên và môi trường, môi trường và tài nguyên biển, viễn thám và GIS trong quản lý tài nguyên và môi trường. Trong khi đó, ngành Khoa học Môi trường theo chương trình chất lượng cao hướng người học về kiến thức của 2 chuyên ngành: khoa học môi trường và quản lý môi trường.
- Ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường hướng người học về kiến thức của 2 hướng chuyên ngành: công nghệ môi trường nước và đất, và công nghệ môi trường không khí và chất thải rắn.
PGS. TS Đào Nguyên Khôi tư vấn cho học sinh nghe các hướng đào tạo, nghiên cứu về Môi Trường
PGS. TS Tô Thị Hiền - Trưởng khoa Môi Trường tư vấn cho học sinh
3. Hiện nay, Khoa Môi Trường có những hoạt động ngoại khoá, đào tạo kỹ năng nào dành cho sinh viên ? Ngoài các hoạt động học tập, sinh viên khoa có thể tham gia những hoạt động ngoại khóa nào? Và những hoạt động này giúp ích gì cho sinh viên?
Bên cạnh các giờ học chính khóa, Khoa phối hợp cùng Đoàn, Hội sinh viên Khoa tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên như: ngày hội chào đón Tân sinh viên, ngày hội truyền thống Khoa, vui hội trăng rằm, xuân tình nguyện, festival ca – múa - nhạc – kịch, gala sinh viên, mùa hè xanh, hội trại Khoa,…. Các hoạt động ngoại khóa được tổ chức với mong muốn rèn luyện thể chất, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng sống cho các bạn sinh viên.
Thêm vào đó, các hoạt động học thuật cũng được định kỳ tổ chức, như Cuộc thi học thuật Lốc Xanh, chương trình sinh viên nghiên cứu khoa học để giúp các bạn trao dồi thêm kiến thức chuyên môn cũng như học tập lẫn nhau. Bên cạnh đó, trong năm học Khoa còn tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề hướng nghiệp và giao lưu với doanh nghiệp nhằm giúp các bạn sinh viên có cơ hội tìm hiểu mong muốn của doanh nghiệp để có sự chuẩn bị tốt sau khi tốt nghiệp. Đặc biệt, các bạn sinh viên còn có cơ hội tham gia Chương trình trao đổi sinh viên thường niên với Trường ĐH Phủ Osaka (Nhật Bản) tại Khoa và ở Nhật.
4. Công tác thực tập, thực tế của sinh viên theo học tại các ngành trong Khoa Môi Trường như thế nào?
Bên cạnh các giờ học chính khóa ở trên lớp, Khoa còn tổ chức cho sinh viên những chuyến thực địa, thực tập, tham quan – học tập bổ ích và lý thú.
Ngành Khoa học Môi trường có chuyến thực tập môi trường đại cương dành cho sinh viên năm 2 với lộ trình Tp.HCM – Đồng Nai – Lâm Đồng – Ninh Thuận, và chuyến thực tập môi trường vùng dành cho sinh viên năm 3 với lộ trình Tp.HCM – Đồng Tháp – Cần Thơ – Kiên Giang. Bên cạnh đó, sinh viên năm 4 còn được tham gia thực địa môn học với tuyến ven biển từ Vũng Tàu – Bình Thuận. Trong khi đó, ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường có chuyến thực tập thực tế (dành cho sinh viên năm 2) với lộ trình Tp. HCM – Đồng Nai – Lâm Đồng – Khánh Hòa và ham quan thực tế tại nhà máy (dành cho sinh viên năm 3).
Bên cạnh các chuyến thực tập môn học, sinh viên của cả 2 ngành Khoa học Môi trường và Công nghệ Kỹ thuật Môi trường đều phải tham gia bắt buộc thực tập thực tế (internship) tại cơ quan và doanh nghiệp vào học kỳ hè của năm thứ 3 để tìm hiểu và trải nghiệm môi trường và công việc thực tế tại các đơn vị này.
5. Cơ hội việc làm sau khi ra trường của sinh viên các ngành trong Khoa Môi Trường như thế nào ạ?
Cơ hội việc làm sau khi ra trường của sinh viên các ngành trong Khoa Môi Trường là khá cao và có điều kiện việc làm đa dạng. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân môi trường bạn có thể làm việc tại:
(1) các cơ sở sản xuất, nhà máy xử lý chất thải, công ty cấp nước, nhà máy xử lý nước, khu công nghiệp, khu chế xuất, công ty, tổ chức về môi trường, công ty tư vấn về môi trường trong và ngoài nước;
(2) các đơn vị nhà nước như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, các Viện và Trung tâm Nghiên cứu, Phòng Tài nguyên và Môi trường của các thành phố, quận, huyện;
(3) các đơn vị phân phối hóa chất, thiết bị trong lĩnh vực môi trường;
(4) tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học và cao đẳng, viện nghiên cứu, trung tâm phân tích, kiểm định;
(5) tiếp tục học tập ở các bậc học cao hơn (Thạc sĩ, Tiến sĩ) ở trong và ngoài nước.
5. Thông tin tuyển sinh năm 2020 của Khoa Môi Trường
5.1. Ngành Khoa học Môi trường
- Mã ngành: 7440301
- Chỉ tiêu: 110
Hóa - Toán - Lý (A00)
Sinh - Hóa - Toán (B00)
Sinh - Toán - Tiếng Anh (B08)
Hóa - Toán - Tiếng Anh (D07)
5.2. Ngành Khoa học Môi trường (Phân hiệu ĐHQG-HCM tại tỉnh Bến Tre)
- Mã ngành: 7440301_BT
- Chỉ tiêu: 50
Hóa - Toán - Lý (A00)
Sinh - Hóa - Toán (B00)
Sinh - Toán - Tiếng Anh (B08)
Hóa - Toán - Tiếng Anh (D07)
5.3. Ngành Khoa học Môi trường (CLC) (mới)
- Mã ngành: 7440301_CLC
- Chỉ tiêu: 40
Hóa - Toán - Lý (A00)
Sinh - Hóa - Toán (B00)
Sinh - Toán - Tiếng Anh (B08)
Hóa - Toán - Tiếng Anh (D07)
5.4. Ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường
- Mã ngành: 7510406
- Chỉ tiêu: 100
Hóa - Toán - Lý (A00)
Sinh - Hóa - Toán (B00)
Sinh - Toán - Tiếng Anh (B08)
Hóa - Toán - Tiếng Anh (D07)