Để hiểu rõ về ngành này, chúng ta trò chuyện với Ban Chủ nhiệm Khoa Địa chất:
1. Xin quý thầy/cô giới thiệu tổng quan về Khoa Địa chất? Giới thiệu về các chuyên ngành mà Khoa đang đào tạo.
Khoa Địa chất ngày nay được thành lập với tên gọi đầu tiên là Tổ Địa chất ra đời năm 1952, trải qua nhiều tên gọi khác nhau, đến năm 1976 trở thành Khoa Địa chất của Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh (1976 – 1996) và hiện nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh (1996 – đến nay).
Khoa là một cơ sở đào tạo đại học và sau đại học có uy tín trong nước. Nhiều cán bộ, sinh viên đã học tập, công tác tại Khoa hiện là các chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu cơ bản, khoa học công nghệ và ứng dụng trong các lĩnh vực quản lý, khai thác tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là Dầu khí, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tai biến thiên nhiên và lĩnh vực giám định đá quý bán quý & mỹ nghệ.
Khoa hiện có 4 bộ môn, 5 phòng thí nghiệm cấp Khoa gồm: BM. Địa chất Cơ sở, BM. Thạch học và Khoáng sản, BM. Địa chất biển và Dầu khí, BM. Địa chất Thủy văn - Địa chất Công trình. Các phòng thí nghiệm (PTN) gồm có: PTN. Thạch học, PTN. Ngọc học, PTN. Địa hóa môi trường, Phòng Tin học – Viễn thám - GIS và Phòng Trưng bày - Thực tập Mẫu địa chất.
Khoa Địa chất hiện có 38 cán bộ viên chức. Đội ngũ cán bộ có trình độ cao (01 phó giáo sư, 10 tiến sĩ, 25 thạc sĩ (08 NCS đang học tập ở nước ngoài gồm các nước Áo, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan), 02 cán bộ phục vụ). Cán bộ giảng dạy của Khoa luôn gắn kết chặt chẽ công tác giảng dạy với yêu cầu thực tế của xã hội, kết hợp với các nhà quản lý, nhà khoa học có uy tín trong các lĩnh vực dầu khí, môi trường, xây dựng, khai thác khoáng sản và quản lý tài nguyên, góp phần nâng cao tính cập nhật, khả năng thích ứng với công việc thực tế của người học.
Khoa hiện đào tạo 6 chuyên ngành:
- Địa chất Dầu khí
- Địa chất Khoáng sản
- Ngọc học (giám định, gia công chế tác các loại đá quý)
- Địa chất Thủy văn – Địa chất Công trình
- Địa chất Môi trường
- Địa chất Biển
2. Mục tiêu đào tạo của Khoa Địa chất hiện nay là gì, thưa thầy?
Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên kiến thức cơ bản ngành Địa chất, kiến thức chuyên sâu và cập nhật những tiến bộ khoa học Địa chất thế giới và Địa chất Việt Nam, rèn luyện cho sinh viên có năng lực nghiên cứu và ứng dụng thành quả mới nhất của địa chất hướng tới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và có phương pháp luận vững chắc, cũng như có khả năng đóng vai trò lãnh đạo để phát triển và đóng góp tích cực cho sự phát triển của khoa học địa chất..
Các hướng đào tạo đang tập trung: Nghiên cứu phân tích các cấu trúc địa chất và các quá trình địa chất phục vụ tìm kiếm khai thác dầu khí, khoáng sản, tài nguyên nước, xây dựng các cầu cảng, các công trình thuỷ điện, đường giao thông, quy hoạch lãnh thổ; công nghệ khai thác tài nguyên, kiểm định, gia công chế tác các loại ngọc và đá quý; kiến thức hiện đại về hệ thống thông tin địa lý và viễn thám, phục vụ nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.
BCN Khoa Địa Chất tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh cho học sinh lớp 12 trường THPT Trần Văn Giàu
3. Công tác thực tập, thực tế của sinh viên theo học tại các ngành trong Khoa Địa chất như thế nào?
- Trong chương trình đào tạo sinh viên phải tham gia 02 khóa thực tập bắt buộc, thực tập địa chất ngoài trời I (khảo sát địa chất tuyển Đà Lạt – Nha Trang- Phú Yên, hoặc tuyến Kiên Giang- Đồng bằng Sông Cửu Long); thực tập địa chất ngoài trời II (đo vẽ địa chất tỷ lệ 1:50.000 khu vực cụ thể tại Bình Thuận, An Giang hoặc khu vực nào đó phù hợp với điều kiện địa chất và thời tiết).
- 06 chuyên ngành đào tạo tại Khoa có chương trình thực tập riêng như Thăm quan, khảo sát, thực tập tại các mỏ đang khai thác tại Bình Thuận, Ninh Thuận và Phú Yên. Thăm quan, khảo sát, thực tập tại các viện nghiên cứu, công ty chế tác về Đá quý, bán quý và mỹ nghệ. Thăm quan, khảo sát và thực tập tại các tổng công ty khai thác và chế biến Dầu khí. Thăm quan, khảo sát và thực tập tại các viện, liên đoàn Địa chất Biển. Thăm quan, khảo sát và thực tập tại các tổng công ty, viện nghiên cứu địa kỹ thuật, công trình xây dựng, công trình giao thông, thủy lợi, công trình ngầm. Thăm quan, khảo sát và thực tập tại các viện nghiên cứu, công ty xử lý địa chất môi trường… v v.
4. Hiện nay, Khoa Địa chất có những hoạt động ngoại khoá, đào tạo kỹ năng nào dành cho sinh viên ? Ngoài các hoạt động học tập, sinh viên khoa có thể tham gia những hoạt động ngoại khóa nào? Và những hoạt động này giúp ích gì cho sinh viên?
Các hoạt động ngoại khóa hàng năm khoa Địa chất và Đoàn khoa-LCH khoa tổ chức bao gồm:
- Nghiên cứu khoa học trong sinh viên, giúp sinh viên nâng cao kỹ năng NCKH, có cái nhìn tổng quan hơn trong NCKH, thăm quan các cơ sở nghiên cứu khoa học tại miền Nam Việt Nam, như Viện Dầu khí, Các tổng công ty.
- Câu lạc bộ học thuật Marianest, giúp sinh viên nâng cao phương pháp học tập hiệu quả bậc đại học.
- Tham gia các hoạt động tình nguyện, phong trào đối với sinh viên khoa, như “Vui hội trăng rằm ”, “Trung thu yêu thương”, “Trung thu trên mọi nẻo đường”, “Xuân tình nguyện” và nhiều các hoạt động tình nguyện khác giúp sinh viên nâng cao kỹ năng ứng xử văn hóa trong cuộc sống.
- CLB anh văn ER club tổ chức các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tuần với các chủ đề sinh hoạt đa dạng, trong năm học đã có nhiều chủ đề được sinh hoạt xen kẽ giữa 2 cơ sở nhằm nâng cao khả năng ngoại ngữ cho các bạn sinh viên.
- Kỹ năng viết CV xin việc, giúp sinh viên có khả năng giới thiệu tốt nhất về bản thân, để ứng tuyển các vị trí việc làm, xin học bổng bậc học cao hơn ở nước ngoài.
Thầy Phạm Tuấn Long đang giới thiệu về các phương pháp để tìm kiếm tài nguyên và dầu mỏ trong lòng Trái đất cho học sinh lớp 12
5. Cơ hội việc làm sau khi ra trường của sinh viên các ngành trong Khoa Địa chất như thế nào ạ?
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở KHCN, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Thủy Lợi, Các Liên đoàn Bản đồ Địa chất, Công ty chế biến và khai thác khoáng sản, Công ty giám định và chế tác đá quý, Phòng kiểm định đá quý, trang sức của các Ngân hang trong và ngoài nước, cửa hang Trang sức, Công ty Dầu khí trong và ngoài nước, Viện Dầu khí Việt Nam, Công ty xây dựng công trình, giao thông, đường thủy, công trình ngầm, các công ty quan lý Môi trường đô thị, các Phòng quản lý Tài nguyên và Môi trường ở Quận, huyện… v v, các Trường Đại học, Cao đẳng trong và ngoài nước có ngành nghề liên quan
6. Thông tin tuyển sinh năm 2020 của Khoa Địa Chất
6.1. Ngành Địa chất học
- Mã ngành: 7440201
- Chỉ tiêu: 100
6.2. Ngành Kỹ thuật Địa chất
- Mã ngành: 7520501
- Chỉ tiêu: 50